Theo tạp chí Asia Nikkei, chính phủ Trung Quốc mới đây đã bật đèn xanh cho phi vụ sáp nhập 2 tập đoàn công nghiệp lớn thuộc sở hữu của nhà nước, trong bối cảnh nước này đang tìm cách thành lập các "siêu tập đoàn’ công nghiệp để cạnh tranh trực tiếp với Mỹ và các quốc gia khác.
Theo đó, Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc (SASAC) vào hôm 21/6 đã phê duyệt việc hợp nhất Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc (CETG) và Tập đoàn Công nghiệp Thông tin Phủ Điền Trung Quốc, hay còn được gọi là Potevio.
Sau khi sáp nhập, Potevio sẽ trở thành công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của CETG. Truyền thông Trung Quốc đã mô tả phi vụ sáp nhập này giống như việc tạo ra một chiếc "tàu sân bay (trong giới) IT", củng cố sức mạnh và phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc.
Trung Quốc có tham vọng vượt mặt Mỹ trong lĩnh vực công nghệ (Ảnh minh họa)
CETC và Potevio đều nằm trong số những tập đoàn "nòng cốt" của Trung Quốc - một tập hợp gồm gần 100 doanh nghiệp do SASAC giám sát trực tiếp. Theo SASAC, tổng giá trị tài sản của các doanh nghiệp nói trên đạt khoảng 10,71 nghìn tỷ USD vào cuối năm ngoái.
Việc tạo ra các ‘siêu tập đoàn’ một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm thiết lập chuỗi cung ứng cho các ngành công nghiệp quan trọng, tránh phụ thuộc vào các quốc gia khác, đặc biệt là Mỹ. Bằng cách sáp nhập CETG và Potevio thành một thực thể lớn hơn, Bắc Kinh đặt mục tiêu tập trung nhiều nguồn vốn hơn để đầu tư vào nghiên cứu và phát triển.
CETG hiện đứng thứ 381 trong danh sách Fortune 500 với doanh thu hàng năm là 32,9 tỷ USD. Con số này dự kiến sẽ vượt quá 50 tỷ USD sau khi sáp nhập. Tập đoàn này có quan hệ chặt chẽ với quân đội Trung Quốc, cung cấp radar và các thiết bị điện tử khác, cũng như cơ sở hạ tầng CNTT.
Trong khi đó, điểm mạnh của Potevio nằm ở lĩnh vực truyền thông không dây và bảo mật. Potevio cũng tham gia vào các lĩnh vực như cung cấp phần cứng và phần mềm phục vụ việc xây dựng thành phố thông minh, cũng như các trạm sạc cho các phương tiện giao thông bằng điện.
"Sau khi sáp nhập, các nguồn lực nghiên cứu và phát triển của hai công ty có thể được sử dụng theo những cách hiệu quả hơn", Liu Xingguo, nhà nghiên cứu tại China Enterprise Confederation, cho biết
"Điều này sẽ có lợi cho cả hai vì họ có thể tập trung vào việc đạt được đột phá về công nghệ thiết yếu trong điện tử và công nghệ thông tin"
Trước đó, hai tập đoàn sản xuất hóa chất hàng đầu thuộc sở hữu của chính phủ Trung Quốc là Sinochem Group và ChemChina, đã hoàn tất việc sáp nhập vào tháng 5 để thành lập Sinochem Holdings. Đây được coi là doanh nghiệp lớn nhất thế giới trong lĩnh vực sản xuất hóa chất, với tổng doanh thu 150 tỷ USD và 220.000 nhân viên.
Tham khảo Asia Nikkei